Cây cầu được coi là chứng nhân lịch sử từng hứng chịu bom đạn những năm chiến tranh bước vào đợt tu sửa lớn nhất sau hơn 110 năm tồn tại.
Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của cầu Long Biên sau hơn 110 năm tồn tại, một dự án khôi phục quy mô lớn được Bộ Giao thông Vận tải khởi động từ đầu tháng 4/2015. Với kinh phí lên tới 300 tỷ đồng, dự án gia cố cây cầu được coi là chứng nhân lịch sử quan trọng của đất nước lần này lớn gấp 3 lần tổng kinh phí hai đợt tu sửa lớn giai đoạn 1995 – 2010.
Tham gia thi công dự án khôi phục cầu Long Biên là các đơn vị công trình đường sắt giàu kinh nghiệm đến từ nhiều vùng miền khác nhau như Công ty công trình đường sắt 798 (Hà Nội), Công ty công trình 875 (Đà Nẵng), Công ty quản lý đường sắt Thanh Hóa…. Dự án đang bước vào thời kỳ cao điểm nhất của giai đoạn một với hàng trăm thợ thi công trên công trình.
Trong giai đoạn một của dự án, để đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020, toàn bộ kết cầu cơ bản của cầu sẽ được gia cố. Từng chiếc đinh vít được kiểm tra để thay thế.
Đối với các nhịp cầu nguyên bản còn sót lại, hệ thống dầm ngang trên nóc cầu được bổ sung thêm các thanh thép để đảm bảo chắc chắn.
Những thanh thép lớn cũng được đưa vào “bụng” cầu, tăng cường cho hệ thống dầm đỡ mặt cầu.
Phức tạp nhất là việc xử lý toàn bộ hệ thống khung thép trong “bụng” dưới mặt cầu. Các thanh thép sau hơn 110 năm tồn tại nhiều phần đã rỉ mọt, thợ cầu phải kiểm tra để gia cố bằng các vật liệu mới. Với chiều dài cầu lên tới gần 2 km, công việc này cần tới hàng trăm thợ làm việc liên tục trong nhiều tháng.
Địa hình thi công cheo leo, nguy hiểm, đòi hỏi các thợ cầu phải làm việc rất tập trung để vừa đảm bảo chất lượng, vừa giữ an toàn.
Các thanh tà vẹt cũ mọt được thay mới bằng gỗ táu.
Một chiếc xà lan lớn luôn túc trực dưới gầm cầu để phục vụ cho việc sửa chữa các cột trụ giữa sông
Giai đoạn một của dự án khôi phục cầu Long Biên dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 12/2015. Sau khi hoàn thành, diện mạo bên ngoài của cầu gần như không thay đổi ngoại trừ nước sơn màu be mới sẽ phủ lên lớp rỉ sét cũ kỹ quen thuộc. Giai đoạn hai được khởi động sau đó sẽ tập trung cho việc xử lý mặt đường bộ trên cầu.
Với đợt tu sửa này, cây cầu lịch sử với đoạn cầu chính vắt qua sông chỉ còn một nhịp nguyên bản sẽ tiếp tục ở lại với người dân Hà Nội thêm nhiều thập kỷ nữa.